Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

con đường trong bụi rậm

Mọi vườn đời đều rộng lớn. Nhưng khi người ta giành nhau, chia cắt ra, vườn đời trở thành những khu vườn cách biệt - cùng với những sự chan hòa cách biệt theo những tổ ấm khác nhau.

Khi người ta chia cắt để vào đời, vết cắt cũng biến thành những con đường hay những hàng rào bất dĩ.

Con đường có thể nằm bên trong hay ngoài giang sơn. Nhưng nguồn gốc khu vườn và con đường, vẫn là bụi rậm của vườn đời - sau đó, hàng cây, những hàng rào ra đời.

Những hàng người rồi cũng vội vã ra đời theo sau những tiếng khóc. Những bờ khe nước chảy, hàng trụ không hoa lá cũng bắt đầu ra đời.  Người ta cũng bắt đầu niềm nở khi bước qua mỗi vườn nhà - và bước vào cuộc sống nhân văn, như người vừa đạo, vừa diễn - nhưng mọi triết luân lý cũng chỉ một thời kỳ.

Khi mọi điều đã mọc đầy hưng thịnh, người ta còn trang bị kẻ đứng gác. Có nơi còn trang bị kẻ nằm gác - và trang bị các ứng phó từ trong, ngoài rào hoặc từ xa, có thể từ trời biển hoặc những bao la, thiêng linh khác.

Có nghĩa rằng, mọi người đều rước chờ điều mới sẽ ra đời. Có kẻ yên lặng chờ mình ra đời, kẻ ồn ào chờ mình sẽ ra đi - và có kẻ ngồi bên nhang đèn, chờ lần cửa mở lại.

Nhưng trong mạch máu, tình thương bám như một tâm huyết của con người, theo những con đường của cải - nên người ta thường quên chuẩn bị cho mình, liều thuốc trường sinh và vạn đại - nên đời dần lỏng.

Những con đường mới, bất ngờ thành những khe rạch và cạn kiệt - làm một ngày nào đó, cuộc đời khác dọn đến vườn xưa, nhưng mang theo tất cả lề lối cũ, mang theo con đường vô hình cũ, để làm khu vườn không bao giờ là bụi rậm - và khi đó, lòng người trở thành bụi rậm không đường qua.

Con đường nào rồi cũng mãi được phát hoang, nhưng con đường lòng người thì ngày càng rậm rạp.

Người ta có thể đoán trước râu ria những con đường mới, nhưng họ chưa hề thấy rõ, chưa thể bước hoặc về lại nơi đã đến.

(…)
Trong lịch sử, có những vùng trời bốc lên lửa cháy. Khi cháy những kỳ quan tạo dựng vật chất và những kỳ quan bụi rậm từ lòng người - người ta gọi đó là chiến tranh.   

Có khi khu vườn chiến tranh chỉ còn bãi đất vô sinh, chưa kể chất độc hóa học và thời gian mò đến.

Có khi vườn chiến tranh chỉ còn ngọn cờ, mà những gì húc nhau đã không còn - hoặc ngọn cờ kẻ khác sẽ cắm lên, cho sự còn lại.

Nhưng tạo hóa vẫn sẵn sàng tạo mọi thời cơ sụp đổ- và dựng lên điều sinh sản mới, có thể dưới lớp bùn lầy, có thể trên sườn đồi những vân tinh quá khứ.

Dù những tinh hoa có thể oằn xuống, nhưng nụ vẫn tụ kết cho trật tự mới, cho đến khi nào vũ trụ còn sống động, thì vườn người vẫn còn sống động.

Những gì đứng lên và ngã xuống được, tưởng như sự kết liễu, nhưng chỉ là sự thay phiên - như qua một mùa nắng hạn, tôm cá lại mọc ra, không cần tông lịch trong hồ sơ tìm thấy, cũng không cần đích danh hằng tên tuổi.

Người ta cũng thấy rằng, chưa biết cái gì là trẻ hơn - vì những gì già cỗi đã ra đi và về trước - hoặc có thể quằn quại trong giấc ngủ chào đời cho một thể gì đó.

Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/3/2011, Vườn hoang, Bình Nhâm, Bình Dương.

1 nhận xét:

  1. Tuyệt !

    "Kỳ nhân " HNT có một văn phong lạ lẫm , càng viết .... càng hay !

    Trả lờiXóa