Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

người con của sóng

Trong khoảng thời gian ngắn, trận động đất Nhật Bản (11/03) và trận động chiến Libya (19/03) đều rơi vào những nơi mật độ cao - và đều gây kinh hoàng loài người.


Trong đó, một nơi phát nguồn từ lĩnh vực vô thức - và một phát nguồn từ lĩnh vực ý thức. Nhưng trên nữa, có bàn tay vô hình nào để bắt hay không - chúng ta chưa thể vói lời mưu gián.


Nhưng sự sinh tồn nào cũng bên bờ đe dọa, nếu rừng rậm không dung đại thụ hay loài thú dữ- thì không là rừng rậm nữa.


Chúng ta biết rằng, dù những con thú nhỏ nhất, vẫn có thể là con thú dữ nhất - và điều đó vẫn bình đẳng trước tạo hóa không phân bua.


Từ đó, không con vật nào đau khổ nhất - và cũng không con vật nào hạnh phúc nhất - trong một loài, hoặc trong vạn triệu loài sinh nở. (Trừ loài người - khi hắn sống vô ý thức.)


Cũng từ đó, những điều rủi may đều chỉ là tạm thời, quyết vận là chuyện khác - vì chúng ta là loài đặc ân, đặc biệt, được đại diện trí tuệ trên thái dương hệ này.


Chúng ta là loài duy nhất, có con đường ý thức về sự bất tận. Nhưng điều đó tự có, hay được giao phó - ta hãy chờ xem chớp tắt của vũ trụ đầy tính thiên thần và kỳ ảo- nơi mà con người chưa giả định được gì trước vụ nổ bigbang - và đang chờ vụ nổ kỳ thần của trí tuệ về sự giải thích.


Hẳn nhiên vũ trụ là kỳ quan thực tiễn, sống động và thần diệu. Nhưng ta cũng tin rằng trí tuệ loài người cũng là kỳ quan đầy năng động, trừu tượng và nhiều sức mạnh khác để nhìn ra thực tiễn.


Chúng ta chỉ cần làm ra sự hiểu biết điều đó, không cần phải vận hành được gì - vì chúng ta đang là một loài siêu tân tinh, tận cùng nhỏ bé và kỳ lạ - mà các thánh thần đều phải run sợ, đang khép nép vào một đâu đó.


(…)
Có thể nói rằng, đứa con của sóng cũng là con sóng - hoặc là chính nó - qua sự lai tạp và tái tạo, trong đó có thể thêm những gì hoàn toàn không thuộc về nó - là của biển, là của đời, là của trời- và có cả những gì vô hình, đó là hạnh phúc hồn nhiên, cơn náo động tự chủ - hoặc cơn náo loạn không tự chủ nào đó đã tạo ra v.v…


Đứa con của sóng, thường vẫn là con sóng, không có sự quái thai nào và rối ren nào, vẫn hôn vào bờ, vẫn lan xa, vẫn hiền hòa - và vẫn tan ra trong lòng mẹ, trong tình yêu, trên bờ cát và bên bờ đất nước.


Sóng vẫn đi, về mơ hồ - và vẫn chờ một ngày tụ hội trở thành con sóng thưở nào. Sóng như một người yên ngã, chờ một ngày tụ hội thành một sinh linh thanh thản lúc ban đầu - và chờ dần thành một con quỷ đầy những phép thần minh tâm trí.


Có nghĩa rằng mọi sinh vật đều có nhờ linh khí của vũ trụ, có thể đến ngàn vạn lần trong kiếp sống không độc đáo của loài vật khác - và cũng có thể trở thành con người với sác xuất không lần 2 (và đã có) - nên có người rung nhịp đời tự mãn, có người tận dụng tối đa điều diễm hạnh ít ỏi, ngắn hạn của mình để làm điều ý nghĩa.


(…)
Cũng như con người, loài sóng có thể hiền lành hàng mấy triệu năm - nếu không bị dư chấn hoặc nhiễu động bởi các kỳ tinh xa, từ cõi thiên hà - hoặc sự phát sóng làm biến đổi trung tâm vật chất hoặc lòng đất.


Loài sóng rất hiền lành nếu không ai làm gì nó, không chọc ghẹo, không đưa những cơn điền cuồng lên đến đỉnh điểm.


Đỉnh điểm có thể là tổng hợp những đụn khói, tổng hợp những sự ăn cào vào môi sinh, rừng rậm thiên nhiên, rừng rậm tình người và cả rừng rậm của đáy lòng người - tức là khởi thảo cho các cuộc chiến tranh, vì đáy lòng người đã thủng nơi nào đó.


(…)
Loài sóng chỉ thưởng ngoạn những gì của thiên nhiên bằng sự nô đùa vô tận. Con người cũng thưởng ngoạn điều đó, nhưng họ còn chế ra những kỳ khôi và nô giỡn biết bao nguy hiểm khác. Nhưng dường như điều đó vẫn còn thiếu, họ còn chế ra những bạo ngược nhắm vào đồng loại, nhưng không biết rồi sẽ đem về những gì cho họ, trong hoang tàn kiếp sống như nhau.


Họ vẫn thừa biết rằng lúc nào đó, đời cũng sẽ khép lại- và cũng sẽ mở ra - vì diễm phúc bất tận, luôn nép sau bức màn vi sinh mà không cần ai vén lên hay buông xuống. Có nghĩa rằng ai cũng tự vén mình và tự buông chính mình, để về thưở vi sinh nhất, thưở không còn tội lỗi, không còn thống khổ hoặc hạnh phúc, chỉ còn sự hồn nhiên và thưởng ngoạn với thiên nhiên, vui đùa với vô tận, với những vì sao, với những làn gió đêm ngày, với những bạn bè bên trảng cỏ, với mẹ hiền mặt đất v.v..


Nhưng rồi họ sẽ hoàn toàn tốt đẹp, giống như kiếp con sóng - nếu họ không gieo cấy vào một trí óc khôn ngoan, bằng những âm u man rợ, đua giành, nặng nề bản ngã - và vỗ chiếc ngực to lớn hoặc cái gì đó của mình về phía kẻ khác.

Cafe sáng, Chợ Cây Dừa , Bình Dương,  28/3/2011 

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

tiếng chim trong hang chuột

Người ta không nói trường hợp nào đưa chim về đến đó - nhưng chỉ nói điều may mắn, rằng tiếng kêu được thất thanh từ chốn này.

Có nghĩa rằng khi đó chim vào tổ, đời không còn gì nữa - chỉ còn máu xương, trong căn nhà hạnh phúc kẻ khác.

Người ta cũng không nói rằng, ngày nào đó lũ chuột con sẽ ra đời. Họ chỉ nói rằng, họ không cần biết điều gì xảy ra ở đâu. Họ chỉ biết và nghe loài chim đang hót trên cành cây cao - nhưng họ không biết khi nào vé sẽ trúng.

Người ta vẫn tung tăng làm điều gì đó bên khung trời - mà mạng sống bên trời sẽ đem về bếp hồng, những con cá biển khơi xa cũng sẽ về bên bếp sôi tiếng trùng dương, tiếng hạnh phúc những nhiên liệu từ vương quốc dầu lửa từ xibêri đem về, nghe tiếng tình nhân gần ở phía dưới đất và nghe tiếng tình yêu gần ở phía trên đầu. (!)

Một ngày hạnh phúc của chiếc lá, là ngày không còn nần nợ với cây cành, bay rất xa, xa những bàn tay vẫy gọi tiễn đưa hay đón chào, hoặc xin lần cứu rỗi bàn tay đốt cháy của loài người.

Tiếng chim trong hang chuột là tiếng kêu thất thanh, không còn biết gì, không nghe tiếng mình, chỉ nghe tiếng một loài đang yêu thương mình, vỗ về, ôm chầm - và đặt nụ hôn thần tình lên tình yêu đã hằng mong, khắc khoải.

NGƯỜI đã cứu mình thoát sống, chờ nụ hôn đầu tiên và bắt đầu thấy được cánh cửa thiên đàng hình gì, đang gọi thoát, như vào một lỗ đen vũ trụ - vào rất gọn gàng, suông sẻ, êm nhẹ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng chuột kêu, không một tiếng động nào trong vườn hoang vĩnh cửu, không có yêu thương, không u minh - và không kéo buộc những nợ nần vinh dự, tài năng, diễm phúc và thần thánh - và khi đó chính mình là một thiên đường, có chứa tất cả những gì chưa bao giờ có.

Lái Thiêu, 3/2011

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

núi non

Có người đã đạt vinh thân và phù gia - nhưng họ quyết tìm vinh danh, để lại bảng vàng, để đời khen ngợi hoặc gởi điều chia sẻ nào đó.

Nhưng biết tìm đâu, treo chỗ chốn nào?

Có người đã đạt vinh danh nhưng gia kiệt, họ muốn tìm sự yên ổn vinh thân, đều đặn cơm no, đều thúng gạo đầy, ngày ba bữa nhậu cùng kẻ nghèo hèn - là có thể bay lên đường ý tưởng.

Nhưng biết tìm đâu, mò ở nơi nao?

Tình yêu không chế ra chiếc máy, chiếc máy cũng không chế ra tình yêu. Nhưng nếu nuôi hoài bão, con người có thể chế ra những gì mình nung nấu.

Có khi tình yêu cũng mệt nhoài vì sự hành xung tâm tưởng. Có người chiến thắng tình yêu như trò kỳ thú - có người gục ngã như kỳ sát không thành và thành tiên một lần hoang dại tình yêu.

(?)
Nhưng với sự thành công, vinh thân và vinh danh cũng là một.

Nhưng có những người, mang những định kiến phân biệt điều đó, như sự vỗ béo khác nhau. Nên trong cuộc sống có kẻ nằm không, nhìn thấy quả đồi xa kia thoai thoải, cho rằng đẹp đẽ phong phú hơn, nõn nà tươi tốt hơn, thơ trinh thần tiên hơn - và huyền diệu bất tận hơn…

Mà ai ngờ về phía bên kia, có kẻ mơ màng nhìn thấy quả đồi bên này cũng là thiên đường tuyệt diệu - và có thể tuyệt diệu hơn như thế.

Bình Dương , 19/3/2011

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

về thăm đại dương

Đại dương là loài biển lớn, có sinh sôi, ốm yếu hoặc phì nhiêu - nhưng không rõ ra rằng phải lớn bao nhiêu. So với bề mặt của nước, thì bề dày cũng chẳng mấy - nhưng người ta nói rằng, nó sâu thẳm và rộng đến bao la.(!)

Những điều mà con người cảm phán, thì chưa thể tin được. Họ chỉ múa, theo rối của họ - vì còn bao sự thiêng linh khác, mà con người không thể sờ mó, nhìn thấy được.

(…)
Người ta có thể sắm chiếc ao bé nhỏ - và nuôi đầy vi sinh. Họ có thể cho đó là đại dương, cũng có thể cho rằng sâu thẳm và rộng đến bao la - trong thế giới vi sinh tục trần hùng vĩ.

Cũng vậy trong căn nhà người nghèo, những gì vào ra đều không ngõ - và rộng đến nơi không gì để còn mất, hoặc để đau xót - và cũng có thể nói rằng nơi đó sâu thẳm và rộng đến bao la.

Nhà của họ có thể là phố phường, núi đồi, một xóm hè - hoặc một tán cây êm đềm, mát mẻ - bên quán chè xôi chuyện đời náo hoạt - cùng các lãnh tụ ven đường.

Cũng vậy như một người hoang, đã ra ràng, đã có tình yêu lứa đôi. Linh hồn họ thường chỉ một người, chăm lo, manh nha canh chừng thú dữ.  Nhưng thú dữ thì không ở ngoài vườn, bờ rào hay lòng đêm góa bụa - thú dữ vẫn đã đi vào, bằng chiếc ngõ tận cùng nào đó - vào thời kỳ trước đó.

Biết thế nào để nói, tình yêu có sâu thẳm và rộng đến bao la hay không. Nhưng rõ ràng tình yêu là chốn hiền hòa, xa lạ, đày đọa - và cũng thần phép như ma. (!)

Khi tình yêu đã nguội lạnh với thân ngoài, thì không cần lời lý luận hoặc xồm xoàm chứng tích - nhưng tình yêu vẫn nhìn ra, thấy rất rõ vật dụng liên quan.

Có khi tình yêu lộ ra những khô cằn, nứt nẻ - vì những dị tật tâm hồn - thì chẳng mong chờ, khâu vá vào đâu được. Vì chiếc lá non, thơ dại nhất của tim người, thường không phi thường để đóng nhiều kịch bản. Nó chỉ biết mình là lá non, còn sống hay đã chết - và chính nó là đạo diễn một lần, trong trường đời vạn lần của một người.

Bình Dương, Chủ Nhật 20/3/2011, trước cây xăng Huy Hồng.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

kim cương giả

Viên kim cương không vùi lấp, không thách đố, không khoe trương. Nhưng người ta sẽ phải nhìn nhận - vì nó là kim cương.

Viên kim cương giả như thật, kèm thuộc tính như thật - không vùi lấp, không thách đố, không khoe trương. Nhưng người ta sẽ phải  nhìn nhận - vì nó là kim cương.

Người ta giả một loài hoa hiếm, ươm mầm, kèm thuộc tính như chính loài hoa kén - và nuôi lớn lên từng ngày tháng, không che kín, không thách đố. Nhưng con người sẽ phải nhìn nhận, vì giả thành thật.

Có những con người từ khi chưa có, mén có - và đã có.

Họ lớn lên kèm thuộc tính cùng thời gian - vô tư, mê say và tự do như một con chó nhỏ.

Họ tra gắn những dấu hỏi vào mình- và người đời tra gắn thêm nhiều dấu hỏi vào mình.

Có những ước mơ bay quá xa - kèm những ước định quá gần. Dù hạnh phúc nghèo hèn, hay lam lũ đại gia - họ vẫn hồ nghi mình là người giả.

Và càng đau đớn rằng, biết bao người trong minh tri, vẫn không cho rằng mình là người thật, cần nương dựa vào đâu đó.

Mây nắng vẫn hững hờ, là tà kiếp người.

Thời gian vẫn hững hờ, như một thời đã có.

Một ngày kia, họ nằm nơi êm ấm, chèn chồng chềnh những phía chông chênh - họ không nghe thấy gì , không bức ách gì.

Và khi đó, họ lui hoàn toàn về xác thân, biết mình là người thật và chết thật - dù chết thật một mình hay nhiều mình - và tất cả, dù giả hay không, đều là thứ thiệt.

Bình Dương 16/3/2011
(Suy nghĩ sau cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đông Phương – về tác phẩm Về Đâu )

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

ký họa

Hạ Ngọc Tể
qua Phạm Hùng Dũng

Tháng 2, có ghé thăm Phạm Hùng Dũng ở Nha Trang, chơi bời ít ngày. 
Khi tôi về lại Bình Dương, hắn gửi cho bức ký họa.

con đường trong bụi rậm

Mọi vườn đời đều rộng lớn. Nhưng khi người ta giành nhau, chia cắt ra, vườn đời trở thành những khu vườn cách biệt - cùng với những sự chan hòa cách biệt theo những tổ ấm khác nhau.

Khi người ta chia cắt để vào đời, vết cắt cũng biến thành những con đường hay những hàng rào bất dĩ.

Con đường có thể nằm bên trong hay ngoài giang sơn. Nhưng nguồn gốc khu vườn và con đường, vẫn là bụi rậm của vườn đời - sau đó, hàng cây, những hàng rào ra đời.

Những hàng người rồi cũng vội vã ra đời theo sau những tiếng khóc. Những bờ khe nước chảy, hàng trụ không hoa lá cũng bắt đầu ra đời.  Người ta cũng bắt đầu niềm nở khi bước qua mỗi vườn nhà - và bước vào cuộc sống nhân văn, như người vừa đạo, vừa diễn - nhưng mọi triết luân lý cũng chỉ một thời kỳ.

Khi mọi điều đã mọc đầy hưng thịnh, người ta còn trang bị kẻ đứng gác. Có nơi còn trang bị kẻ nằm gác - và trang bị các ứng phó từ trong, ngoài rào hoặc từ xa, có thể từ trời biển hoặc những bao la, thiêng linh khác.

Có nghĩa rằng, mọi người đều rước chờ điều mới sẽ ra đời. Có kẻ yên lặng chờ mình ra đời, kẻ ồn ào chờ mình sẽ ra đi - và có kẻ ngồi bên nhang đèn, chờ lần cửa mở lại.

Nhưng trong mạch máu, tình thương bám như một tâm huyết của con người, theo những con đường của cải - nên người ta thường quên chuẩn bị cho mình, liều thuốc trường sinh và vạn đại - nên đời dần lỏng.

Những con đường mới, bất ngờ thành những khe rạch và cạn kiệt - làm một ngày nào đó, cuộc đời khác dọn đến vườn xưa, nhưng mang theo tất cả lề lối cũ, mang theo con đường vô hình cũ, để làm khu vườn không bao giờ là bụi rậm - và khi đó, lòng người trở thành bụi rậm không đường qua.

Con đường nào rồi cũng mãi được phát hoang, nhưng con đường lòng người thì ngày càng rậm rạp.

Người ta có thể đoán trước râu ria những con đường mới, nhưng họ chưa hề thấy rõ, chưa thể bước hoặc về lại nơi đã đến.

(…)
Trong lịch sử, có những vùng trời bốc lên lửa cháy. Khi cháy những kỳ quan tạo dựng vật chất và những kỳ quan bụi rậm từ lòng người - người ta gọi đó là chiến tranh.   

Có khi khu vườn chiến tranh chỉ còn bãi đất vô sinh, chưa kể chất độc hóa học và thời gian mò đến.

Có khi vườn chiến tranh chỉ còn ngọn cờ, mà những gì húc nhau đã không còn - hoặc ngọn cờ kẻ khác sẽ cắm lên, cho sự còn lại.

Nhưng tạo hóa vẫn sẵn sàng tạo mọi thời cơ sụp đổ- và dựng lên điều sinh sản mới, có thể dưới lớp bùn lầy, có thể trên sườn đồi những vân tinh quá khứ.

Dù những tinh hoa có thể oằn xuống, nhưng nụ vẫn tụ kết cho trật tự mới, cho đến khi nào vũ trụ còn sống động, thì vườn người vẫn còn sống động.

Những gì đứng lên và ngã xuống được, tưởng như sự kết liễu, nhưng chỉ là sự thay phiên - như qua một mùa nắng hạn, tôm cá lại mọc ra, không cần tông lịch trong hồ sơ tìm thấy, cũng không cần đích danh hằng tên tuổi.

Người ta cũng thấy rằng, chưa biết cái gì là trẻ hơn - vì những gì già cỗi đã ra đi và về trước - hoặc có thể quằn quại trong giấc ngủ chào đời cho một thể gì đó.

Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/3/2011, Vườn hoang, Bình Nhâm, Bình Dương.

lòng sông nước vẫn chảy

Không tạo vật nào - mà lòng và đáy chỉ một. Dù quanh co, nhưng vẫn dài suốt từ đầu cuối.

Không tạo vật nào - mà 2 bên hoa cỏ trài dài, trên mảnh thịt non bãi bờ - suốt từ đầu cuối, (chỉ trừ khi con người vén ra, vào lui ghe xuồng - hoặc những chuyến tàu dựng đứng neo buồm và vươn nòng khói bẩn).

Trên lòng sông bồng bềnh, phiêu diêu những bèo dạt lênh đênh trôi vào đâu đó, có thể nương nhờ hay đi đến hạ nguồn của toại nguyện - như kiếp người, đến khi không cần thân xác nữa.

Lòng sông còn phải lòng, yêu đương vào một trăng xa truyền kiếp - nên lòng sông cũng thường phập phồng thủy triều, theo từng ngày, và từng tháng trăng lên mong mỏi.

Lòng phập phồng đó đã muôn đời, làm lòng người cũng phập phồng từng ngày cơm cháo, ấm no những làn tôm cá - và cưu mang cho những tình yêu khác - có thể là con người, có thể là ước mơ và có thể là món trọng trách nợ nguyền nào đó.

Lòng dòng sông bao giờ cũng ngửa trời xanh, nhìn mây bay và no đầy ánh nắng. Mọi thứ nhìn lên, đều in hình xuống nước, làm có người mê mẩn - có kẻ hồ nghi rằng một nàng tiên nằm đó, trên vóc dáng có những chỗ long lanh, huyền thoại (?).

Đôi khi người ta cũng nhìn thấy chính mình, một loài đứng thẳng, lạ lẫm, kỳ khôi và thông ranh.

Nhưng những ai thông ranh mà không tìm được bình yên cho mình- thì chỉ là sự cùng quẫn - bởi họ bơi trên chốn mơ hồ nào đó, không có dòng sông thông suốt đời mình.

Lòng sông nuôi đầy những giống vật vô tư, hiền lành, không nói năng, không lý thuyết và không lý luận - vì triết lý chỉ là cuộc sống- mà con người càng xa hơn, thì càng gánh về vất vả.

Những giống vật thanh bình dưới lòng sông, thường trốn tìm, quanh những hang hốc nào đó, có khi mải mê dạo chơi trong một tổ quốc điều kinh, mát mẻ của mình.

Lòng sông dường như chẳng bao giờ sinh đẻ, nhưng cũng có khi tràn bờ, vì trời mây đại dương gởi về quá lớn - làm vỡ những con đê, bờ đập - hoặc những bãi thuyền bè mà lòng sông đã từng không có.

Những tôm cá nuôi trong lòng sông, hầu như chẳng một lần nguy hiểm. Chỉ trừ khi con người rải xuống chất độc vô sinh, bủa dày mẻ lưới hoặc giăng đầy bãi câu - làm lôi sạch lòng đau và đem lên những bàn mâm bốc khói - trước lũ người ngàn đời không hề hạnh phúc.

Và như thế, lòng sông chỉ có lòng đau, nhưng lòng đau đã nhừ ra và chai lỳ ngàn năm.

Lòng đau đã làm nhừ tình yêu và hạnh phúc của dòng sông với đời, với thiên nhiên thành một. Cũng như lòng và đáy sông đã dài từ đầu cuối, bên hai bờ cỏ trên miếng thịt non của bãi cát, vẫn còn hoài sự duyên dáng với trái tim dài ngàn năm của nó - vẫn còn hoài mà vẫn không bao giờ hót lên tiếng ca oanh liệt.

Một người cong chiếc võng, cầm cái ly, mượn cái chai - bên bờ Sông Bé, Phú Cường, Bình Dương, sáng 14/3/2011

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

bóng tối thần diệu

Nhờ bóng tối, nên ánh sáng sống được, đi được và đến được.

Nhưng có ai biết, mẹ của ánh sáng là gì, to lớn, phì nhiêu ra sao.

Người đã thức giấc bao lâu và xuất phát thuở nào, để đi qua nẻo đường hành quân bất tận?

Bóng tối đã lan tràn bên trong và bên ngoài tất cả. Nhưng chưa hẳn con người ở giữa tất cả, nên có lúc họ chập chọa bên này bên kia, nên có kẻ vào tù và có kẻ nở hoa bên bờ sương khói.

(…)
Bóng tối rất rộng lớn - và vĩ đại đến sự tận cùng của vĩ đại.

Nhưng người ta chỉ nhìn vào ánh sáng, nhìn vào sự nương nhờ, nên không nhìn thấy những điều huyền nhiệm.

Bóng tối là sự bảo bọc để tránh nhiều tử huyệt. Nhưng ánh sáng phơi trần mọi thứ và gọi chào đầy những mối nguy hiểm.

Vũ trụ bóng tối có lổ đen, mà con người không cho rằng sáng hay tối - và sợ nó - Có nghĩa cho rằng sự siêu phàm không hoang ảo.

Người ta cũng thấy sự phát sáng từ lân tinh (đã chết hoặc đã cháy) - nhưng người ta chỉ nhìn thấy ánh sáng, mà không nhìn thấy người mẹ của mọi trường tồn và mọi ý thức.

(…)
Không phải người ta yêu nhau từ chỗ ánh sáng hay bóng tối - mà từ chỗ chập choạng linh hồn tìm bờ bên kia, để chia sẻ hoặc quên lãng điều không hy vọng - hoặc những điều tuyệt vọng.

Nguồn gốc của tình yêu giới tính, vẫn là tình yêu với con người, tìm đến những điều hợp nhất và gần gũi hơn nữa, trong 2 phần kinh dịch.

Đôi khi kinh dịch chảy ra lênh láng, nhưng vì tị hiềm, máy móc hay những sự cân đo mưu toàn khác - làm người ta khước từ, chuyển hướng - và  thường xảy ra những điều bất kham trong nguyện ước. Vì khi đó, bóng tối đã bất hòa, tràn khắp, áp đảo và trùm lên như thiên mệnh cho con người.

Nhưng cuộc hành xung nào của con người, cũng trên đường mò mẫm - và từ đó le lói những ánh sáng, trong tài nguyên của bóng tối.

Trong cuộc hành hương tìm lại cội nguồn của con người, cũng chính là tìm lại bóng tối. Nơi đó đã có gì, cớ gì, và tụ hội ra sao cho một sinh linh không hẹn trước?

Nhưng sự hẹn trước vẫn là điều không thể, nên sự sống con người phải có một bàn tay vô hình - đó là bóng tối. Là bóng mà con người không thể thấy được, làm ngộ nhỡ đó là điều tối tăm, không có gì - và chính vì thế mà con người tối tăm hơn nữa.

Và chính vì thế, con người càng tối tăm, càng bức xúc - nên họ càng khai phá nhiều thứ, kể cả những điều mà Thượng đế, tạo hóa và của bóng tối - đã không thể hình dung nổi.

Từ đó, các ngài đã pha thêm cõi những thời gian điên rồ, làm hạn hẹp thời lượng mà con người đã tung hoành diễn biến, đã làm dàn trải ra những kỳ diệu của ý thức, và con người sẽ nhặt được chìa khóa bí mật của tạo hóa. Và khi đó, con người sẽ không là người nữa, họ chôn chìm trong những điều siêu thực, nghịch mạng, khủng bố, bạo lực, hoặc lên chuyến phi thuyền ngao du khắp niềm đau trong vũ trụ không bờ.

Đường về vẫn còn xa, nhưng những mũi tên phóng thẳng của thời gian vẫn không ngừng trúng đích, làm kiếp người ngã gục - và cây cỏ, côn trùng lại mọc lên, mọc lên đến một đỉnh vinh quang nhất - mà con người sẽ làm được, mọc đến một khi nào không còn gì là vinh quang nữa - và con người sẽ về thăm lại mái nhà từ khi chưa có - mà đã có, trong lâu đài tồn tại vĩnh viễn không thời gian.

Ngồi với nhà thơ Nguyễn Vân Thiên, quán cà phê cuối công viên Phan Xích Long, Sài Gòn,  12/3/2011
(Xa xa có tấm bảng CẤM ĐI TRÊN CỎ. Người con gái thơ ngây làm vườn, thò lưỡi cắt ngọt ngào trong buổi sáng quên thấy bình minh.)

nhân vật của thời gian


Có người già hết chỗ già, nói rằng chưa bao giờ nhìn thấy con người - vì ai cũng che đậy, dù khéo hay không khéo léo.

Chính mình cũng che đậy, nên chưa bao giờ nhìn thấy mình. Xem như chưa bao giờ nhìn thấy con người - là con thế nào, ra sao và làm gì?

Có người còm cõi không chờ tuổi, qua phố phường, nghe tiếng ồn mà không nghe tiếng lòng. Nghĩa là không nghe được tiếng người - họ nói gì, bao lâu và với ai?

Có người gặp duyên tai nạn, nghe tiếng sồn sột của tiền, tiếng chua đắng của thuốc, tiếng vết đau à ơi, tiếng giường rên rĩ, tiếng cấp cứu xôn xao, tiếng máu chảy rì rào và tiếng của mình thời tiền sử. Nhưng không biết con người gây nhau thế nào, được gì và ăn nhậu ra sao?

Có người hết cửa cõi mình, dù không, cũng phải muốn về nơi ở mới, tất cả đều sẽ phơi phới, tiếng người ơi ới, nhang khói mịt mùng, tiếng khóc nỉ non, tiếng gia tài róc rách, tiếng đàn hát tiễn vui, tiếng kinh cầu ấm miệng, tiếng đất đá cùng hoa thơm rầm rập thân mình, tiếng lời chúc chia về bên kia khe có suối, chúc gởi linh hồn về chốn mây mờ tạo hóa chờ ngày san ủi v.v...

Người già bỗng hết già - vì nghe thấy được con người là con gì, làm gì, nói gì, rồi sẽ về đâu - vì thấy được mình là con gì, làm gì, nói gì, rồi sẽ về đâu giữa đất trời không trăn trở.

Bình Dương, trưa 01/3/2011

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

cuộc tình cờ hữu lý

Có những việc, không biết rằng do sự tình cờ hay hữu lý đã sắp đặt - hoặc quỷ sứ con người nào đó, dòm thấy và dệt thành câu hỏi. Nhưng thế giới tự nhiên vẫn không bao giờ có câu hỏi, hỏi ai- và hỏi điều gì?

Cõi tự nhiên chỉ biết phóng thích và thu về những gì vô nhiệm, vô nghiệm- và chưa hẳn có mưu đồ sản sinh những gì ý nghĩa.

Cõi tự nhiên vẫn bao la triền miên, sinh ra muôn loài mà chưa lần giải cứu sự sống.

Người ta chưa kịp thấy bàn tay vô hình nào, đã sinh ra hoặc gỡ gạt những trận sóng thần và động đất đổ bể, những chiến xe chở về thiên mệnh, hoặc những vùng trời lửa cháy, những bờ trôi lục địa, hoặc phải sự tiêu diệt bè lũ bạo ngược cường tráng - để giành lại mạng sống con người.(?)

Người ta cũng chưa kịp nhận biết những điều yêu thương, để những loài hiền lành, dung dị và vô tội - được đặc ân bên thềm phủ xanh hiền lành mặt đất.

(…)
Có những việc, không biết rằng do sự tình cờ hay hữu lý đã sắp đặt- hoặc quỷ sứ con người nào đó, dòm thấy và dệt thành câu hỏi. Nhưng thế giới tự nhiên vẫn không bao giờ có câu hỏi, hỏi ai - và hỏi điều gì?

Nhưng những con quỷ vẫn nhìn vào chỗ không có, không biết, không thấy- và hỏi rằng cái gì, điều gì trong đó? Và thấy rằng ẩn náu, như có bàn tay vô hình không ngẫu nhiên, ngẫu hứng và ngẫu lý.

Có những dòng sông đã qua đời, và chôn lấp vào đó là thành phố mới. Nhưng huyết mạch dòng sông vẫn chảy ra những con đường khác- và như thế, dòng sông đã chưa qua đời, biến chuyển hình hài ven người, để người về đâu đó.

Người có thể về trời, về chốn sơ nguyên bờ đất - hoặc về chốn ngang tàng, ngồi trên bàn thờ sương khói, nuôi giấc ẩn mơ, chờ tái nguyện được ngày đời hoa lá.

(…)
Có những việc, không biết rằng do sự tình cờ hay hữu lý đã sắp đặt- hoặc quỷ sứ con người nào đó, dòm thấy và dệt thành câu hỏi. Nhưng thế giới tự nhiên vẫn không bao giờ có câu hỏi, hỏi ai- và hỏi điều gì?

Mây nấp ẩn về phía chân trời, trôi về phía bắt đầu nơi chốn khác. Có khi vòng lại cõi đầu tiên mà quá khứ đã giũ sạch qua những lần hợp hôn, trung chuyển, để không còn ai kêu rên nần nợ, lầm lỗi hay kêu nài những u danh, tài vật, chiến tích trôi theo- mà mọi con đường cũng đã trôi đi.

Người ta ngủ trên chuyến đò đang, đã và sẽ trôi xa. Có thể qua vòng gặp lại hay không quá vãng bờ chốn cũ.

(…)
Có những việc, không biết rằng do sự tình cờ hay hữu lý đã sắp đặt- hoặc quỷ sứ con người nào đó, dòm thấy và dệt thành câu hỏi. Nhưng thế giới tự nhiên vẫn không bao giờ có câu hỏi, hỏi ai- và hỏi điều gì?

Cầu Vĩnh Phương, Nha Trang, chiều 21/02/2011

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

miếng vá chân tình

Có người mặc áo vá rách, để làm anh hùng, thiên tài, hoặc làm nhà đại phúc. Và có người mặc áo vá rách, để làm kẻ ăn mày mà không ai cho thương, bán vé số không mua - hoặc chạy thuê không người ôm.

Những chiến sĩ cuộc sống, đã có người tử trận và có người từ trần - nhưng người đời vẫn nhìn cặp mắt khác, có người thấy, có người không- hoặc không cần nhìn thấy (!).

Có người vá chiếc áo chưa rách của mình và cũng có người không còn gì để vá. Nhưng con người vẫn làm việc gì đó của mình, của người - ngay tại chốn giang hồ không định mệnh.

Dường như không có định mệnh nào được an bài sẵn. Người ta lập ra định mệnh cho mình từ sau một lá số, sau đáy mắt nhìn - và sau cõi lòng, quyết định còn có gì lưu luyến.

Lá số nào cũng mang hình đồ như nhau, như mọi bàn tay con người, đều mang những dấu vân vô ngĩa, tình cờ. Nhưng sự dẫn đi, tìm nơi đến - lại là từ xứ sở anh minh của hồn mình.

(…)
Người bán vé số trước những bàn tay xua, vẫn thấy trong tấm vé mình cầm, dù lên voi hay xuống chó, cũng có còn miếng cơm, chăn chiếu hạnh phúc và núi rừng cõi sống, có đứa con, có tiếng ru của bạc tình, có mảnh đất chôn vùi và leo lên, có tự mãn tiếng thơ giữa quê nhà - và có linh hồn không chỗ chứa, nằm trong hồn vé, nằm trong thân xác tuyệt vời, gói theo ngàn trùng diễm phúc, từ vạn triệu năm, từ vô biên về đến lần ưu ái.

(…)
Không biết  linh hồn có dọi lại chiếc bóng hoạt hình hay không, nhưng tất cả đều là những thiên tài giang hồ, đang tìm lại bến giang đầu - và đã làm việc gì đó cho mình.  Đã làm việc kinh động - là ra đi và không biết về đâu.

Chiếc áo trần, dù muốn vá hay không, cũng đã để lại sự ân cần, chân thành đùm bọc. Để người du hành không bị dễ mơn trớn điều mát mẻ, không bị lung lạc- và không bị vẽ lên, làm khác làn da thịt. Và cũng để không nhận ra rằng, con người là một thể giống nhau, bằng nhau - khi lâm vào những trận huy hoàng hoặc ảm đạm.

Cà phê Vô Định , Đài PTTH Bình Dương, sáng 25/02/2011

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

tình yêu của máy

Máy có thể hát nhạc, đi chợ, nấu ăn, chọn món ăn - và có thể ăn dùm con người - để đưa người vào cõi truy tìm tinh túy hoặc những điều hạnh phúc kỳ dị khác.

Ngày nay, máy có thể cấy ghép tế bào và sinh sản thay con người. Máy còn có thể đòi nợ, hăm dọa, hoặc có thể dùng lời cáo trạng cho những lỗi lầm, hay những hiểm nạn báo trước. Máy có thể bật đèn khi trời sớm tối, ru giấc hành xung vào ngày hay đêm - và có thể kết thúc những chặng đường qua cũ.

Điều đáng buồn, là sắp đến niên kỷ thay người thành máy - và thay máy thành người.

Máy có thể nghỉ ngơi, thanh thản, êm đềm, nhẹ nhàng và hạnh phúc. Máy không một lý do - và không một chiến tranh bên những tình yêu ảo bóng. Máy có thể yêu nhau, rung động hình hài, tìm đường và đề ra những thời lượng gặp gỡ.

Máy được thưởng ngoạn nhiều điều muốn, những điều từ không tới có - và có quyền kết thúc hoặc mãn hạn nhiệm kỳ yêu nhau mà không buồn phiền kỷ niệm.

Máy có thể gọi đến những chân trời xa thẳm và đem về những đối phúc của tự nhiên, đem về những ngọn ngành khi chân trời chưa nở - và đem về những điều trú ngụ từ vô biên, sinh sản và đùm bọc thế nào, để đến một ngày tinh hùng vào cuộc đại náo, để đến một ngày máy nở thành người, bên hiên nhà sẽ gần tàn phá - ngày mà con người cứ mãi vật vã trên con đường chu tất, vun đầy lỗ trống đời mình, thân mình, thân người và xử lý những gì thò ra dư giả - và để lại chiếc máy chưa hẳn tái sinh, nằm ngay dưới lòng đất ngàn đời và nhìn lên, thấy về những chiếc máy không một lần đau khổ, có ghi nhớ tên mình, cuộc tình, thân thế và những loài cỏ hoang đã từng lần sống dậy.

Kề khách sạn Hà Quỳnh - Trần Phú - Nha Trang, sáng 21/02/2011

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

vườn địa đàng không tiếng chim

Vì có sự sinh tồn, là có sự dẫm đạp tự do nên thượng đế có vườn địa đàng không phàm tục, chỉ dành cho cõi trên, nơi mà những gì nặng nề nhất được cho dù là dấu chân kỷ niệm cuộc đời, cũng đều được vứt bỏ, để lại bên dưới.

Nơi đây không có nước, chỉ có đất đá cùng bụi bặm, nơi mà những linh hồn đều có thể giao nhau, hoặc phơi ra dưới ánh nắng oan uổng của mặt trời. Linh hồn chỉ cần chia sẻ, mà không cần lời cớ sự, lý luận, nói năng cực nhọc. Nơi này không còn thiếu thừa, âm dương chi bộ, không còn ánh mắt mi nheo của thân đời bạo ngược v.v... Nơi đây no đầy lý tưởng, như những làn gió quây quần đoàn tụ, hay bờ biển rộng chòng chành vui đùa sóng vỗ, không cần gì nữa trên cõi đời hàm oan màu bạc tiền, thiếu thừa danh vọng, những xúc giác đớn đau hoặc những ve vuốt ân ái của cõi đời xương máu. Nơi đây, linh hồn là thần tiên của mình và kẻ khác, có thể là cõi chết trọn vẹn. Sự sống trong cõi chết, chốn vô biên treo mang chiếc đồng hồ không số, không cần quay vòng những lưỡi kiếm theo thời gian- và không cần tổn thất năng lượng để quờ quạng dọn đường. Nơi đây chỉ có chiếc đồng hồ là cát đá mù tăm, để chờ đón một lần tạo hóa được bùng nổ và biến động, rủi may hình thành một chốn sống, có trút vào đổ ra, đều đặn, bắt đầu cho những sinh thể hiền hòa, mọi quyền tự do còn đó- chưa nói điều lấn giành và chưa chứa lời oan trái.

...

Ai cũng hình dung, muốn thấy, muốn có vườn địa đàng vô chủ, nhưng không ai chịu làm như thế.

Có thể họ cho rằng, còn có sự dẫm đạp lên nhau là còn phát triển. Họ cho rằng khi cuộc đời héo úa, lụi tàn tiềm năng, thì khi đó tự sẽ tìm về bình an. Khi đó, mọi thứ giá trị có thể không còn hiệu lực với mình. Khi đó họ đã cầm trên tay một chân lý sáng ngời như hạt kim cương no tròn lý nghĩa- và về đến vườn địa đàng không tiếng chim, không lá hoa - và không còn những đa đoan theo mảnh đời nhỏ bé - và về đến tận cùng ngay mỗi bước chân mình, đó là lòng mặt đất, vô tư êm đềm không chứa về những tâm hồn loạn lạc.

Dự lộ Nha Trang - Bình Dương 19/02/2011

máy lọc của lòng

Lòng đời có nhiều loại, có loại hồn nhiên, và có loại đậm đà uẩn khí. Nhưng dường như ai cũng là chiếc máy lọc cho mình, nhưng những gì lấy được, thì cũng là tài sản chính mình. Có người lấy được rau rác, và cũng có người lấy được tim người hoặc những tinh hoa, hoặc những kỷ niệm đẹp đẽ.


Có người lọc ra gươm giáo và có người lọc ra súng đạn bạc tiền. Có người lọc được thơ ngây và có người lọc đầy tội ác chưa lần - nhưng không có gì là không giá trị của một thủ mưu.


Những thủ môn của sóng gió, thường có bàn tay hoặc màn lưới của chính mình - và chỉ bắt được điều của chính mình- và từ đó, không bắt được những gì xa lạ. Nhưng có bàn tay của tri giác, người ta có thể bắt được những gì gọi là kỳ ảo của chính mình, mà tinh hoa là những gì lành mạnh nhất, và càng lấp kín lỗ trống vô hình. Mẻ lưới cuối cùng người ta thường bủa về hạnh phúc rằng có hay không, hoặc một lòng thanh thản bình thường v.v... Nhưng mẻ lưới của họ, thường bao giờ cũng kèm theo đồng loại, có khi chỉ còn lại bàn tay trắng đậm đà, chất phác - hoặc có khi chỉ còn chiếc bóng của loài phù du qua lần sớm tắt. Cũng có khi con người chỉ còn lại sự cào xé của bầy thú dữ, vây quanh ruộng vàng đã khai phá.


Nhưng cây với quả, vẫn không thường sinh cuả lạ trong khu vườn đã từng không lạ - là những hoa trái đàng sau lông tóc trên đầu trong một cõi trời dong ruổi hồ đời.

Tiếng chào mời cà phê đầu tiên, của người con gái đầu tiên - buổi sáng đầu tiên trong lần ghé lại Nha Trang.
(Ngã tư Quang Trung - Lý Tự Trọng,  sớm 20/02/2011)

bến của bờ

Bến như một ngai vua, như vương miện một kiếp người. Bến có thể là nơi cuối cùng hay thưở bắt đầu để hành du một chốn mới.


Có những bờ không bến vì không có gì đậu đỗ được, và cũng không có gì để ra đi, nên triền miên niềm cô đơn- làm cũng lắm lần tuyệt vọng.


Có những người không đỗ đậu vào đâu và cũng chẳng buồn lòng tung cánh. Họ luôn là một bãi lòng chờ sẵn, là khu vườn trải ra, thân mình là chiếc gối êm cho hồn, mọc ra lá hoa, mọc ra điệu đàn của đá, mọc ra bức tranh còm cõi thân hình, mọc ra mồi thẫn thờ không biết đi đâu và cũng không biết lui về chốn bắt đầu để có một bến không mong chờ.


Bờ có thể là một bến âm u hay tươi sáng, rộng khắp, làm mở ra hoặc đóng cửa những vườn ngoài.Những khu vườn ngoài và vườn trong chỉ là khoảng trắng, khoảng chắn vô hình, hoặc lắc lư cánh cửa, trong đó con người đặt ra luật lý, đặt ra rào cản, cánh cửa và có thể đeo tròng chiếc ổ mà muốn rằng chính mình nắm giữ và lay động.


Do lòng người bao giờ cũng ước mơ, mang sự khó nhọc, kiêu kỳ hay bồng bềnh cảm tác, nên bờ có thể là một vùng phì nhiêu hay héo mòn xơ xác.


Nhưng dù sao, những con sóng bởi tác nhân bên ngoài hay chính mình, có khi cũng tự đánh đổ, bờ làm cuộc cách mạng được mất. Và người ta cũng nghiệm ra rằng có thượng đế, tạo hóa hay một đấng siêu hình nào đó đã đưa bàn tay, làm biến động và vẽ lên ý nghĩa cho người, vào bờ, vào cuộc lòng, và vào một dĩ vãng vàng mơ trong bãi bờ hạnh phúc.

Lang thang bờ dài Nha Trang và thấy bến đỗ - là khu vườn không cùng của những đợt sóng và những con dã tràng hoài đào cát trắng.
( Nha Trang 21/02/2011)

lộ quốc

Nước Việt Nam nhỏ, dài, thon và cong.

Nếu hành du bằng đường bộ, ô tô phải bơi qua ngày đêm, để qua nửa đường Việt Quốc chưa êm ả.

May nhờ những chuyến xe êm đềm, rọi ánh đèn quét qua gió bụi, hoặc vang rên những tiếng động gầm gừ, hiền lành trong đêm, dù tắt hay không có ánh trăng trung chủ.

Nếu không, kẻ du hành chỉ thấy con đường là miếng thịt đen, chiếc lưỡi dài phơi mình đìu hiu, theo lộ quốc sơn hà lối mòn đại sử.

Nước Việt Nam nhỏ, dài, thon và cong - có làn môi 2 bờ kinh dịch. Một bên bao la gió nước, một bên là núi đồi phập phồng, êm ngủ những thiên tài đang ngáy nhỏ, đang vòng tay ân ái ôm vào chính mình, và nghĩ rằng dù muốn hay không, xong giấc trầm kha, trời cũng phải sáng rạng.

Nước Việt Nam nhỏ, dài, thon và cong- có những con đường đang chờ sáng, đang phải sáng ra điều gì đó, dù bình minh một ngày mưa hay nắng.

Đêm hành du đến Nha Trang, tìm góc biển thời gian giữa chân trời son trẻ.
(Rạng sáng 20/02/2011)

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

lộ phí thiên đường

Bài này khởi ý từ THIÊN ĐƯỜNG NƠI TRẦN THẾ, của chị DƯƠNG QUỲNH THANH vừa du Mỹ.
Tôi xin chia sẻ bà con, nhưng chưa quyền đưa nguồn email đã nhận.
Xin hội nhập vào đây một cách nhìn, nhưng không ý về chị. Vì tôi đang ngưỡng cực khác và chưa hẳn đã thấy được mình.
Cám ơn chị và mong lần gặp gỡ.




Ai cũng cho rằng thiên đường là tuyệt đẹp, bình đẳng và bác ái. Là nơi không cần đứng lên, ngồi xuống- vì mọi điều cần, đều có sẵn.
Nơi mà môi trường khí hậu, tạo vật đều êm trên tuyệt vời, nhưng chưa ai nói rằng có loài vật hay không.

Nơi không có âm điểm, nơi đây chỉ có cái quý và cái tốt. Nơi mà cái xấu hiếm hoi như sự quý báu, nơi mà chỉ có bên này, mà bên kia là sự đen tủi.  Nơi có bến, mà những bờ còn lại xem như là bãi đời buông nhả.
 (…)
Nhưng lộ phí thiên đường, bao giờ cũng là điều suy ngẫm.

Có người lộ ngay trước mắt, có người trong sự lu mờ, và có người rộng lòng kinh khỉnh.

Có người cho rằng, khoản lộ phí đó là nhẹ nhàng, hoặc nặng nề. Có người uyển chuyển lách tránh, hoặc thô kệch vụng dại.  Nhưng cũng có người lên được thiên đàng vì không còn gì, không cần gì hoặc không còn đường về.
(...)
Ai cũng biết, người soát vé không  thể mò được tim người, hình người, và không rảnh xóa dấu chân người. Họ cũng không muốn chướng ngại đường đua, nên nhanh chóng phất cờ khuất tất, đẩy kẻ mong ước thiên đường kỳ diệu, vào sâu bốn bề cửa mả.

 (…)

Có rất nhiều người muốn, hoặc đã đến thiên đường. Nhưng không ai hình dung hoặc nói, rằng con đường dệt lợp bằng gì, điện  tỏa hay trong bóng đêm, hai hàng cỏ mọc hay sơ nguyên bãi trần đất cát.
Người ta cũng không biết dòng người qua lại nhìn nhau, tay ấp gì không, họ dẫm đạp thế nào và đã đi về đâu. Cũng không ai biết dải phân cách ngược xuôi là gì và hình thù ra sao.
Có người mơ hồ lên trào, như bay trong bóng đêm. Ngẫm rằng nếu  thế, đã nhầm đường địa ngục?

 (…)
Có người nói rằng, thiên đường  là đất nước phồn vinh, đầy súng đạn, bạc tiền.

Có người nói rằng, thiên đường là tham vọng của những ác quỷ. Có người nói rằng, thiên đường chỉ là ảo mộng, mơ nhầy vọng tục.

Đến nay, vẫn chưa trẻ sơ sinh nào ra đời, trong sổ khai thiên đường. Trong  sổ khai tử vẫn chưa kẻ ra đi, chưa có người nhập  mạng hoặc khai hộ, nên loài người chưa thể đến lúc rên gào âm phận.(?)

Trên đó, nơi mà số không vẫn là con số  thực thà nhất, mang đầy ý nghĩa,  dấu và chứng tích trên thiên đường hư ảo.

Kiếp con người phải từ chỗ lên men, ủ hóa thành trùng, bên những loài thực vật hoặc động phận, trong tinh cầu có thể.
 (…)

Đến nay, người ta vẫn cố đoái hoài, gom tụ lộ phí  đời mình, để hoài đến thiên đường bằng điều khốn khổ.

Có người gom bằng danh dự, vinh dự,  tài trí , ân mạng, nhân mạng hoặc bằng những  sản vật đường dài. (...)

Có người gom bằng mồ hôi, máu đổ, nhục mạng và khổ hạnh. (...)

Có người gom bằng tình yêu, bồng bế, cưu mang cánh chim hạnh phúc, cùng rận rệp.

Có người mù tăm, mang hoài mơ ước, như tròng vào nghiệp vận lãng mạn.

Nhưng tất cả, đều như  dự chuẩn mãi lộ, chào đón quỷ sứ bạc đời kiếm gác, để giao chào lộ phí kèm mạng người, để tìm đến thiên đường tuyệt vời, hằn  trên lưỡi dao thần chết.

Khi đó người ta trở thành đáng yêu, họ không còn gì, bỏ lại cửa đời của mình, bỏ lại trước cửa thiên đường hình hài đẹp nhất trần gian, mà hình nhân còn nắm chặt diêm dúa, trong lớp vỏ áo đời vô tội.

Đó là hình người, mà mạng sống là lộ phí.

Giá là sức nặng tham vọng từ chính họ để xô đẩy, về đến cõi hoang đường mơ hồ không đạo pháp.

đời là đại tiệc




( Khởi ý từ tiểu tiệc sau nhà PHD Nha Trang, thấy đời mình muôn ngàn đại tiệc.
Người ta có thể xảy ra kinh- vì gặp phải tiên hóa một đời thường, thân ái, trần tình, dung dị, đạm bạc và cởi mở. ) 






Không oxy, người ta sẽ chết trong chốc lát. 

Nếu không còn hạt nước thân người, thì người ta còn lại chiếc bánh khô hoặc một hình nhân qua cội phúc. 

Nếu không sống trong môi trường gió nước hoặc chuyển sang kênh vật chất đặc biệt, người ta cũng sẽ tại ngoại và không bao giờ vang rên sự đau khổ hoặc hạnh phúc. 

Đời vẫn là đại cuộc và đại tiệc. Loài người quá thừa dư những chất sống. Đâu cũng đầy tài nguyên, tiềm lực và bạt ngàn loài cây lá xanh rất xanh, xanh tự bao giờ và xanh đến tận cùng kiếp sống muôn loài. 

Nơi đâu người ta cũng tìm ra tình yêu địa đầu của họ. 

Nơi đâu người ta cũng có thể biến thành tu sĩ. 

Nơi đâu người ta cũng có thể biến mình thành tù sĩ, nhốt phận mình vào kiểu thức, do chính mình hoặc người cận lân làm tù trưởng. 

Có người không tình yêu, họ thành một tu sư không chùa chiền, cúng kiến. Nơi đâu người ta cũng dễ dàng thành một tù sư đường hoàng, không cần áo mão và không cần hoa trang mặt mình. 

(…)

Đời vẫn là đại tiệc. 

Đời đầy rẫy cuộc tự do và hành xung vào tự do khác, làm thành những dạ tiệc, đại cuộc tra tấn sáng ngời ấn tượng, bên những con vật tay cầm, lưng cong và thè lưỡi. (!)

Những con muỗi vo ve qua lần thoát chết và những đại hùng có thể lần tử trận- nên đời vẫn luân phiên bày ra đại tiệc trên những mâm bàn có thể giống nhau. 

(…)

Mâm bàn nào cũng sẵn sàng đại tiệc, nên có những đại cuộc chan hòa nước mắt và có những đại tiệc chan đầy huyết khí. 

Đời vẫn là đại tiệc khi đèn đã tắt hay đời đã đứt. Nhưng chúng sanh vẫn mọc lên theo đường rêu phong cỏ mục, và những bầy nô lệ vẫn mọc lên theo những cung đình no ấm. 

Vì chính loài nô lệ đẻ chửa được ra loài nô lệ. Nên đời vẫn dọn ra những món khổ và sướng, nhưng có người chỉ muốn gặm vào một phía và tìm sự bảo toàn tốt nhất, bằng những chiếc máy tự do lắp vào- Và lắm khi kinh hoàng giở ra, thấy mình sản sinh đầy loài độc lập. 

Đa phần, người ta dự vào đại tiệc thâm trầm, êm đềm, thấy rằng hạnh ngộ và vinh dự. 

Nhưng người nô lệ, mang cảm giác bần cùng như truyền kiếp, họ chỉ mong một đại cuộc vinh quang dù nhỏ nhoi, cũng là hùng vĩ nhất đời mình dù chỉ một lần. 

Đời vẫn bình đẳng, chập chùng. Đại tiệc vẫn có thể đến những loài nhỏ bé hoặc cao lớn, nhẹ nhàng hoặc nặng nề, đến với những loài tai nghe mắt thấy, những loài không tai nghe mắt thấy, và những loài không có gì để tai nghe mắt thấy. 

Đó là những cánh diều đã bay lên, không nặng nề mang những gì mẹ cha không đẻ ra, bay lên mãi, vì sống được với những nỗi nhẹ nhàng nhất, như đến với chánh thống vô sản- mà linh hồn họ không bao giờ nô lệ những công cụ, phương tiện trong đại cuộc bao la, chập chùng, kỳ vĩ, hạnh phúc, ý nghĩa và thảnh thơi nhất. 

Bình Dương, CN 14/11/2010